Email:
toan.rsv@gmail.com
Hotline:
0932 344 899 * 0326 559 638
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

logo_chuan.300
Giỏ hàng:
/files/assets/top_hotline_moiok.jpg
logo_2
DANH MỤC SẢN PHẨM

Quy Trình trồng hoa cúc trong nhà màng

hoa_cuc_nha_mang

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA CÚC TRONG NHÀ MÀNG

  1. Giống và tiêu chuẩn giống :

- Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống khi trồng cần có các tiêu chuẩn không thấp hơn các tiêu chuẩn quy định tại quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 10/02/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng vv quy định tiêu chuẩn cây giống xuất vườn ươm của một số loại rau, hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể: Độ tuổi cây trong vườn ươm nếu trời ấm từ 12-15 ngày, nếu trời lạnh từ 18-20 ngày; chiều cao cây: 5-8cm; đường kính cổ rễ: 2,5-4mm; có 6-8 lá thật. Cây phải khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh hại.

  1. Chuẩn bị đất trồng

Cúc là cây trồng cạn, không chịu được ngập úng, do đó đất trồng phải cao ráo tơi xốp, thoát nước tốt. Đất thích hợp cho sự phát triển của cây cúc là đất thịt nhẹ, đất pha sét, đất đỏ bazan,...có độ pH khoảng từ pH = 5,8 – 6,8, độ dẫn điện khoảng từ 0,8 – 1mS/cm cho cây con và khoảng từ 1,2 - 1,5mS/cm cho cây lớn.

Đất được cày phơi ải từ 7-10 ngày sau mỗi vụ trồng, cày sâu 35-45 cm, bừa nhỏ mịn, khử tuyến trùng bằng Ethoprophos 10% (2-3 kg Mocap hạt/1000m2), khử vi khuẩn bằng calcium hypochlorite (3 kg/1000m2)

Lên luống cao 20-25cm, rò rãnh 1,2m, bề mặt luống bằng phẳng, tưới ẩm trước khi trồng cây.

  1. Phân bón và cách bón phân:

a.Nếu bón phân theo phương thức canh tác thông thường:

Nhu cầu phân bón cho cây hoa cúc trong 1vụ/1000m2 như sau:

- Phân hữu cơ: 200–300kg (có thể sử dụng phân trùn quế hoặc bounceback, Dynamic…). Hoặc có thể sử dụng phân chuồng hoai mục: 10 – 12 m3.

- Trichoderma: 1kg

- Magie Sulphate: 5kg

- Vôi: 70 - 100 kg, tùy theo độ pH của đất

- Phân hóa học (theo lượng nguyên chất): 250kg N – 160kg P2O5 – 200kg K2O

Có thể sử dụng phân đơn (ure, supper lân, kali) hoặc phân hỗn hợp (các loại NPK, DAP, …) quy đổi theo liều lượng nguyên chất như trên.

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi, lân vi sinh, Magie Sulphat, ½ P2O5. Lưu ý: không bón vôi chung với các loại phân bón như trên)

+ Bón thúc:

Lần 1: 8kg N – 2kg P20– 2kg K20. Bón thúc sau trồng từ 10 – 15 ngày.

Lần 2: 8kg N – 2kg P20– 4kg K20. Bón thúc sau trồng từ 30 – 35 ngày.

Lần 3: 5kg N – 2kg P20– 7kg K20. Bón thúc sau trồng từ 50 – 55 ngày.

Lần 4: 4kg N – 2kg P20– 7kg K20. Bón thúc sau trồng từ 70 – 75 ngày.

Lưu ý: Không bón phân lúc sáng sớm vì cây còn ướt dễ gây cháy lá, không bón vào buổi trưa nắng. Nên bón vào lúc 7 giờ đến 9 giờ sáng, những ngày đầy đủ ánh sáng. Sau khi bón song cần tưới nước đẫm để cây có thể hấp thu phân bón. Rải phân bón bằng tay nhưng không để phân rơi trên lá, trên ngọn vì phân sẽ làm cây bị cháy lá và cháy ngọn, nếu tưới nước không kịp thời sẽ bị cháy lá

Có thể bổ sung một số phân vi lượng, bón phân vi lượng tùy thuộc vào tính chất, thành phần của đất và các biểu hiện thiếu vi lượng của cây trồng như sau:

- MgSO4: 10kg/1000m2

- FeSO4: 1 – 2kg/1000m2.

- ZnSO4: 1 - 2kg/1000m2.

- MnSO4: 1 - 2kg/1000m2.

- CuSO4: 0.5 - 1kg/1000m2.

- Na2MoO4: 0.5 - 1gr/1000m2

Ngoài ra trong quá trình canh tác có thê bổ sung thêm một số loại phân bón qua lá, tùy thuộc vào tình hình sinh trưởng của cây. (Có thể sử dụng rong biển, Protifer, bud booster, super humic, caltrac, bortrac…)

4. Nếu bón phân thông qua hệ thống tưới

Áp dụng công thức sau:

Đối với cây từ 2 đến 6 tuần tuổi:

Hỗn hợp A & B được tưới riêng biệt (cách nhau 6 - 7 ngày )

- Hỗn hợp A :

Ca(NO3)2 : 24gr/l

500L/1000m2

KNO: 20gr/l

- Hỗn hợp B :

MAP : 16gr/l

500L/1000m2

MgSO4 : 16gr/l

Đối với cây trên 6 tuần tuổi (7 ngày tưới/lần): 250L/1000m2.

- Hỗn hợp A :

Ca(NO3)2 : 24gr/l

250L/1000m2

KNO: 10gr/l

- Hỗn hợp B :

MKP : 20gr/l

250L/1000m2

MgSO4 : 16gr/l

 

* Phương pháp tưới :

- Phân được pha đúng nồng độ liều lượng và được khuấy trộn đều cho đến khi toàn bộ lượng phân được hòa tan.

- Tưới phân vào sáng sớm (Nếu tưới trễ, nắng nóng sẽ làm cháy lá hoặc tạo ẩm độ cao vào chiều - tối)

5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

trong_hoa_cuc_trong_nha_mang

5.1. Mật độ trồng

- Mật độ trồng: Tùy thuộc vào mùa vụ và đặc tính giống mà bố trí mật độ trồng cho thích hợp.  

+ Đối với những giống cúc đơn (chỉ để 1 bông trên cành), khoảng cách là: 10 x 14cm hoặc 12 x 14cm, mật độ 55.000 - 60.000 cây/1000m2.

+ Đối với những giống cúc chùm (để nhiều hoa trên cành), trồng với khoảng cách là: 10 x 16cm hoặc 12 x 16 cm, mật độ 45.000 – 50.000 cây/1000m2

5.2. Kỹ thuật trồng

- Kỹ thuật trồng: Không nên trồng quá cạn hoặc quá sâu: Lấp khoảng 2/3 bầu đất là thích hợp, khi trồng cây yêu cầu phải đặt cây vuông góc với mặt đất.

5.3. Cắm cọc, rải ống tưới nhỏ giọt, thả lưới :

- Mỗi luống cắm 2 cọc đầu luống và 2 cọc cuối luống, các cọc được chôn xuống đất 40cm, cọc vừa có tác dụng canh thẳng luống vừa cố định hệ thống lưới đỡ cây.

- Lưới được thả cố định bởi các cọc sắt ở 2 đầu luống.

5.4. Tưới nước:

  1. Đối với cây mới trồng: Tùy thuộc vào cấu trúc đất và ẩm độ đất, mùa nắng hay mùa mưa và lượng bốc hơi nước hằng ngày mà có chế độ tưới thích hợp, thông thường lần tưới đầu tiên - khoảng 10m3/1.000m2nước, sau đó giảm dần 5m- 7m3/1.000m2nước cùng với phân bón được hoà tan cho những lần tưới sau;
  2. Giai đoạn sau ngắt điện: Hạn chế tưới nước trên bề mặt lá nhằm mục đích giảm độ ẩm vào ban đêm. Lượng nước tưới cũng phụ thuộc vào cấu trúc đất, độ ẩm, thời tiết và lượng bốc hơi nước hàng ngày, thường tưới khoảng 7– 8m3/1000m2;

5.5. Chiếu sáng bổ sung (Điều khiển quang chu kỳ):

Việc chiếu sáng cho hoa cúc vào ban đêm bằng hệ thống đèn điện chiếu sáng vào giai đoạn cây con (từ lúc trồng đến 30 ngày sau trồng) có tác dụng làm tăng chiều cao cây, tăng tỷ lệ nở hoa, hoa to, độ bền dài và nở đúng thời điểm mong muốn.

Thời gian chiếu sáng bổ sung dài hay ngắn phụ thuộc vào đặc tính của từng giống, từng mùa. Thời gian chiếu sáng bổ sung khoảng từ 20 đến 30 ngày vào ban đêm. Có thể chiếu sáng theo chu kỳ 10 phút sáng và 20 phút tối (Từ 8h30 tối - 2h45 sáng).

- Khoảng cách giữa các dây là 2,4m

- Khoảng cách giữa các bóng trên dây là 2,5m

- Khoảng cách từ mặt đất đến đèn: 2,7m

- Bóng đèn được sử dụng là bóng huỳnh quang 20w

- Bóng đèn được điều khiển bởi bộ hẹn giờ

- Tùy thuộc vào tiêu chuẩn chiều cao của cành hoa, người sản xuất có thể ngắt điện khi cây cao từ 30 – 45cm

- Để tiết kiệm chi phí sử dụng điện, chất lượng của cây con có vai trò quan trọng, nếu cây con chất lượng kém, rễ phát triển không đồng đều, thời gian chiếu sáng phải tăng lên, dẫn đến cây phân nhánh nhiều trong quá trình ra hoa làm giảm chất lượng cành hoa.

5.6. Ngắt nụ chính/nụ phụ:

- Đối với hoa cúc chùm, mục đích của ngắt nụ chính nhằm tập trung dinh dưỡng để cây nuôi các nụ nhánh, ngắt nụ kịp thời sẽ làm hoa nở đồng đều hơn, mật độ phân nhánh cũng tốt hơn, giá trị thương phẩm của cành hoa sẽ cao hơn. Từ lúc ngắt điện đến lúc ngắt nụ khoảng 4-5 tuần, ngắt bỏ nụ chính và để lại trên cây hoa phải có ít nhất 4-6 nhánh hoa nhỏ.

- Đối với hoa đơn (01 hoa trên một cây): Thao tác ngược lại, chỉ ngắt nụ phụ, còn để lại nụ chính. Ngắt nụ phải kịp thời nhằm tránh cổ hoa bị cong, hoa sẽ bị nhỏ do dinh dưỡng không đủ để nuôi hoa chính.

6. Sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Lưu ý: Hiện nay, các thuốc BVTV đăng ký phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa cúc còn rất ít, một số đối tượng sâu bệnh hại không có loại thuốc nào được đăng kí phòng trừ. Chính vì vậy bà con nông dân có thể tham khảo một số loại thuốc bảo vệ phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại tương tự trên cây trồng khác để sử dụng trên cây hoa cúc. Tuy nhiên trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

  1. Côn trùng, sâu hại chính và biện pháp phòng trừ

6.1. Bọ trĩ (Frankliniella sp.)

Đặc điểm gây hại:

Bọ trĩ chích hút nhựa ở phần lá non và hoa của cây. Nó làm biến dạng lá tạo nên những vết sẹo trên lá có dạng như vết bỏng dẫn đến giảm khả năng quang hợp của cây, khiến cây bị còi cọc không phát triển được. Mặt khác, nó để lại những vết sẹo trên lá hoặc làm mất màu sắc của hoa dẫn đến mất giá trị thẩm mỹ và hoa không đạt chất lượng. Bọ trĩ còn là môi giới truyền bệnh virus cho cây.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng lưới côn trùng để ngăn cản sự xâm nhiễm bọ trĩ từ bên ngoài vào trong nhà kính. Dùng bẫy côn trùng như bạt vàng hay bẫy dính màu vàng để hạn chế sự phát triển của bọ trĩ. Vật liệu nhân giống, cây giống phải sạch trước khi mang vào nhà kính.

Kiểm tra phát hiện sớm để phun thuốc phòng trừ kịp thời và hiệu quả. Sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Dinotefuran (Oshin 100SL) để phòng trừ

6.2. Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

Đặc điểm gây hại:

Nhện chích hút dinh dưỡng của lá làm cho lá bị rộp, biến dạng dẫn đến sự quang hợp của lá bị giảm sút, lá có thể bị vàng rụng, làm giảm giá trị thẩm mỹ và năng suất của cây trồng. Trong quá trình chích hút có thể chúng sẽ tiết ra độc tố gây hại cây trồng.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm để có biện pháp kiểm soát kịp thời; hạn chế tối đa việc đi lại giữa nơi có nhện và nơi không có để tránh sự lây lan; tưới nước nhằm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm để kéo dài vòng đời của nhện.

Biện pháp sinh học: sử dụng nhện ăn mồi Phytoseiulus persimilis để kiểm soát nhện đỏ rất hiệu quả trên nhiều loại cây trồng trong nhà kính và trồng ngoài trời. Nhện ăn mồi được thả vào khu vực trồng cây có thể khống chế nhện đỏ trong suốt quá trình canh tác.

Biện pháp hóa học: Có thể sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Matrine (Kobisuper 1SL) để phòng trừ.

6.3. Ruồi đục lá (Liriomyza sp.)

Đặc điểm gây hại:

Ruồi cái chích hút trên lá tạo thành những chấm nhỏ hình tròn (lỗ hút dịch) hay oval (lỗ đẻ trứng), làm lá bị tổn thương có thể tạo điều kiện cho các yếu tố gây bệnh phát triển; tại những lỗ hình oval, khi trứng nở thành ấu trùng thì chúng bắt đầu di chuyển và ăn phần thịt bên trong biểu bì la, làm lá bị tổn thương, giảm giá trị thẩm mỹ và khả năng quang hợp dẫn đến lá bị vàng úa, rụng sớm và ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Ruồi thường gây hại nặng vào tháng 2 đến tháng 5 hàng năm.

Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh đồng ruộng, sử dụng lưới côn trùng để ngăn cản sự xâm nhiễm từ bên ngoài vào trong nhà kính; sử dụng bẫy dính màu vàng để phòng trừ,

Kiểm tra và phát hiện sớm để phun thuốc hóa học kịp thời. Do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ dòi đục lá cho cây hoa cúc, vì vậy có thể tham khảo các thuốc hóa học đã đăng kí để phòng trừ ruồi đục lá trên các cây trồng khác để phòng trừ như các thuốc có hoạt chất Abamectin, Cyromazine.

6.4. Rệp hại hoa cúc (Myzus percicae)

Đặc điểm gây hại:

Rệp chích hút nhựa cây làm lá bị méo mó, đặc biệt nó thải ra dịch ngọt. Dịch ngọt là môi trường thích hợp cho nấm muội đen phát triển, làm cản trở quá trình quang hợp và thoát hơi nước của lá dẫn đến lá bị vàng úa, cây bị còi cọc, giảm năng suất cây trồng. Rầy còn là nhân tố truyền virus gây hại cây.

Biện pháp phòng trừ:

Nhổ cỏ, xử lý rác thải đồng ruộng để tiêu diệt nơi ẩn nấp của rầy; dùng lưới chắn côn trùng ngăn chặn sự di chuyển của rầy từ bên ngoài vào trong nhà kính; kiểm tra đồng ruộng để phát hiện ngăn chặn kịp thời.

Sử dụng các thuốc hóa học có hoạt chất như Emamectin benzoate 5 g/l + Petroleum spray oil 245g/l (Comda 250EC); Garlic juice (BioRepel 10 DD) để phòng trừ

6.5. Sâu hại hoa cúc

- Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua).

Sâu khoang (Spodoptera litura fabricius)

Sâu xanh (Helicoverpa armigera hb)

Đặc điểm gây hại:

Sâu gây hại trong suốt quá trình sống, Sâu  non thường gây hại mặt dưới của lá, sâu lớn  gây hại hầu hết trên lá, chúng ăn lá, thân non, hoa làm tổn hại rất lớn đến chất lượng sản phẩm, chất thải do sâu bài tiết trên hoa, lá làm giảm giá trị sản phẩm  dẫn đến tỷ lệ thải loại hoa rất lớn.

Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nơi trú ẩn của  trưởng thành. Điều tra sâu bệnh trên đồng ruộng định kỳ 1-2 lần/tuần, nếu phát hiện phải phun thuốc kịp thời; có thể sử dụng bẫy Pheromone để dự báo thời điểm xuất hiện của trưởng thành; che lưới côn trùng, cửa ra vào phải đóng kín nhằm không cho bướm bay vào nhà kính;

Hiện tại, chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ sâu xanh, sâu khoang/hoa cúc. Có thể tham khảo sử dụng các thuốc hóa học có hoạt chất Abamectin (Plutel  0.9 EC), Bacillus thuringiensis var. aizawai (Aizabin WP, Thuricide HP); Bacillus thuringiensis var. kurstaki 16.000 IU+Granulosis virus 108 PIB (Bitadin WP) để phòng trừ

- Chú ý phòng trừ khi cây ngắt điện sau 1 tuần và giai  đoạn cây có nụ vì lúc này bướm bay vào nhà kính nhiều do mùi của cây tiết ra mạnh hơn so với các giai đoạn phát triển khác.

 7. Bệnh hại chính và biện pháp phòng trừ

7.1. Bệnh rỉ sắt (Puccinia sp.)

Đặc điểm gây hại:

Hoa cúc có thể bị hai loại nấm rỉ sắt tấn công có tên là Puccinia horiana (rỉ sắt có màu trắng) và Puccinia chrysanthemi (rỉ sắt có màu nâu) gây nên. Ban đầu nấm này hình thành bào tử, các bào tử đảm nằm dưới mặt lá. Trong điều kiện thuận lợi: Ẩm độ ≥ 95% kéo dài ít nhất 3 giờ. Nấm xâm nhập vào mô lá khi có màn nước mỏng trên lá trong vòng 2 giờ ở nhiệt độ t0c = 17 – 240c. Nấm có thể lây lan ra xa khoảng 700m nhờ gió hoặc nước, bào tử nấm chỉ có thể sống trong vòng 5 phút nếu ẩm độ ≤ 80%. Nhưng nó lại tồn tại đến 60 phút ở ẩm độ từ 80-90%, sau khi nhiễm từ 5-14 ngày sẽ thấy vết bệnh xuất hiện trên lá. Dấu hiệu của bệnh rỉ sắt là mặt dưới lá xuất hiện vệt màu xanh nhạt. Sau khi phát triển thành những nốt mụn màu trắng rồi chuyển sang màu vàng. Cây non thì dễ bị bệnh rỉ sắt hơn cây lớn.

Vết rỉ sắt làm cho mặt trên lá hơi lõm vào có màu xanh nhạt, còn mặt dưới của lá hình thành những nốt mụn (mụn cóc) xếp chồng lên nhau theo những vòng tròn đồng tâm. Tại thời điểm giao mùa hoặc thời tiết ban đêm khi độ ẩm cao, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi để nấm phát triển.

Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ; chọn những giống kháng bệnh, cây con sạch bệnh; trồng đúng mật độ theo từng giống và từng mùa; ngắt lá bệnh và thu gom kịp thời; không tưới nước vào buổi chiều. Cần kiểm soát tốt nhiệt độ, độ ẩm tạo sự thông thoáng bên trong nhà kính sẽ hạn chế bệnh phát triển.

Có thể sử dụng các thuốc hóa học có hoạt chất Chitosan+oligo-alginate (2S Sea & See 12WP, 12DD); Oligosaccharins (Tutola 2.0AS) để phòng trừ

7.2. Bệnh lở cổ rễ ( Rhizoctonia  solani)

Đặc điểm gây hại:

Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra, là loại nấm có sẵn trong đất; bệnh xuất hiện ở cả cây con và cây trưởng thành; thường xuất hiện khi cây bị dư nước hay trong điều kiện nóng ẩm; cây héo rũ và chết khi bị nhiễm bệnh. Bệnh  thường xảy ra trong vườn ươm và cây con sau khi trồng, độ ẩm cao và giá thể trồng không xử lý nên cây con dễ bị nhiệm bệnh.

Biện pháp phòng trừ:

Khử trùng môi trường dùng ươm cây con và đất trồng; vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước mùa vụ; sát trùng kỹ dụng cụ, quần áo và chân tay trước khi vào khu vực sản xuất; tiêu huỷ cây nhiễm bệnh và cách ly khu vực nhiễm bệnh; sử dụng nguồn nước tưới sạch bệnh; kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và tạo sự thông thoáng trong nhà kính. Dùng các chế phẩm vi sinh vật có lợi trong đất như Trichoderma sp để hạn chế bệnh phát triển.

7.3. Bệnh mốc xám (Botrytis cineraria)

Đặc điểm gây hại:

Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây ra. Nấm này thường dễ lây ở những cây yếu và ở những nơi tế bào bị thương; đầu tiên xuất hiện những chấm màu nâu khi nấm phát triển thì những tế bào bị nấm tấn công sẽ thối nhũn; nấm thường phát triển trên lá, thân, hoa. Chúng làm hoại tử và thối nhũn tế bào dẫn tới lá bị rụng sớm, cây bị còi cọc, giảm chất lượng, năng suất cây trồng. Điều kiện để chúng lây lan là nhiệt độ 16-25oC, ẩm độ > 90% và thời gian cần thiết là 6 giờ liên tục.

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp phòng trừ: Khử trùng môi trường dùng ươm cây con và đất trồng; vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước mùa vụ; sát trùng kỹ dụng cụ, quần áo và chân tay trước khi vào khu vực sản xuất; tiêu hủy cây nhiễm bệnh và cách ly khu vực nhiễm bệnh; sử dụng nguồn nước tưới sạch bệnh; kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và tạo sự thông thoáng trong nhà kính. Hiện nay chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh này trên cây hoa cúc, vì vậy có thể tham khảo sử dụng thuốc hóa học có các hoạt chất Carbendarzim, Chlorothanil hoặc Mancozeb để phòng trừ.

7.4. Bệnh héo vàng (Fusarium oxysporum)

Đặc điểm gây hại:

Bệnh do nấm Fusarium oxysporum gây ra, đây là loại nấm rất nguy hiểm, hiện tại chưa có thuốc phòng trị. Triệu chứng của bệnh này rất giống bệnh  héo xanh (Nấm có sợi tơ hồng) nhưng ban đầu ,bộ lá bị héo một bên trước, lá chuyển sang màu vàng sang màu nâu lợt,cây sinh trưởng còi cọc. Bênh này dễ phát hiện ở giai đoạn đầu, khi cắt thân hoa chúng có màu nâu ,đen một bên thân.

Biện pháp phòng trừ:

Vệ sinh tàn dư thực vật sạch sẽ trước khi cày bừa; cải tạo đất ho tơi xốp, tạo điều kiện cho rễ phát triển tối ưu; không tưới nước lúc trời nắng nóng. Sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Dazomet (min 98%) (Basamid Granular 97MG)  để phòng trừ

7.5 Bệnh phấn trắng (Oidium chrysanthemi )

Đặc điểm gây hại

Bệnh do nấm Oidium chrysanthemi gây ra. Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20-250C, nhiệt độ cao trên 330C nấm chết sau 24 giờ, ở 450C nấm chết sau 10 phút. Bệnh nặng nhất vào mùa hè.

Vết bệnh dạng bột phấn trắng xám, hình bất định. Mặt dưới lá chỗ vết bệnh chuyển sang màu vàng nhạt.

Bệnh hại chủ yếu trên lá non, bệnh nặng có thể hại cả thân, cành, nụ hoa. Bệnh làm lá vàng, khô héo và rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở hoặc nở lệch về một bên. Bệnh thường lan từ lá gốc lên phía trên.

Biện pháp phòng trừ:

- Bón phân cân đối, chú ý bón Kali. Ngắt bỏ lá bị bệnh

- Có thể dùng thuốc: Carbendazim 0.7% + Hexaconazole 4.8% (Vilusa 5.5SC), hoặc Trichoderma spp 106 cfu/ml 1% + K-Humate 3.5% + Fulvate 1% + Chitosan  0.05% + Vitamin B1 0.1% (Fulhumaxin 5.65SC) để phòng trừ

7.6 Tuyến trùng (Aphelenchoides ritzemabosi)

Đặc điểm gây hại:

Do tuyến trùng Aphelenchoides ritzemabosi gây ra, phá hại nhiều lọai cây hoa cảnh, phát triển mạnh trong mùa Xuân-Hè ẩm ướt. Tuyến trùng xâm nhập vào cây qua khí khổng, hòan thành chu kỳ sinh sản trong mô cây, chích hút nhựa làm lá và hoa khô héo. Có thể sống trong cây bệnh và trong đất tới 6-7 tháng. Tuyến trùng lan truyền qua cành giâm, tàn dư cây bệnh và nước tưới, nước mưa

Triệu chứng bệnh thể hiện chủ yếu trên lá, một số trường hợp gây hại chồi và hoa. Lá bị bệnh biến màu, đồng thời xuất hiện các đốm vàng nhạt hoặc vàng nâu phân biệt rõ rệt với gân lá. Đốm bệnh lớn dần làm lá xoăn và khô héo. Chồi và hoa bị bệnh cũng biến dạng xoăn lại và héo.

Biện pháp phòng trừ:

- Dùng cành giâm, cây giống không bị bệnh. Xử lý hạt giống bằng cách ngâm trong nước nóng 500C trong 10 phút.

- Ngắt bỏ lá, chồi và hoa bị bệnh tập trung đốt.

- Sử dụng một số loại thuốc hóa học: Chitosan (Tramy 2SL); Cytokinin (Geno 2005 2SL) để phòng trừ.

7.7. Bệnh héo xanh (Erwinia chrysanthemi)

Đặc điểm gây hại:

Triệu chứng đầu tiên là một phần của cây sẽ bị héo rũ, có thể một hoặc hai nhánh héo trước sau đó toàn bộ cây sẽ bị héo gục và chết. Khi gặp điều kiện thuận lợi, toàn bộ phần bó mạch của thân cây sẽ bị mất màu chuyển sang màu nâu đậm.

Biện pháp phòng trừ:

hoa_cuc

Khử trùng môi trường vườn ươm cây con và đất trồng; vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước mùa vụ; sát trùng kỹ dụng cụ, quần áo và chân tay trước khi vào khu vực sản xuất; tiêu huỷ cây nhiễm bệnh và cách ly khu vực nhiễm bệnh; sử dụng nguồn nước tưới sạch bệnh; Kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và tạo sự thông thoáng trong nhà kính; dùng các chế phẩm vi sinh vật có lợi trong đất như hoạt chất: Trichoderma sp. Dùng giống kháng bệnh, luân canh cây trồng.

  1. THU HOẠCH, PHÂN LOẠI, XỬ LÝ SAU THU HOẠCH
  2. Thu hoạch

Cây hoa cúc là loại cây ngắn ngày, tùy theo đặc tính của từng giống, mùa vụ, số giờ chiếu sáng trên ngày, thời gian sinh trưởng của cây cúc từ  10 - 12 tuần, từ lúc ngắt nụ đến khi thu hoạch khoảng 2,5 - 3,5 tuần.

  1. Tiêu chuẩn thu hoạch

Cây thẳng, đối với hoa chùm tối thiểu có 4 nụ cùng độ nở. Đối với hoa chuẩn độ nở phải đạt 50 - 60%, chiều dài cổ hoa tối đa 18cm (trung bình từ 10 – 15cm), không phân nhánh không có nụ phụ, nụ hoa không được biến dạng, chân hoa không hoá gỗ, không vàng lá, không giòn lá, không tuột lá chân, không vết sâu, bệnh (rỉ sắt, botrytis), không bám cặn hoá chất, không rụng 3 đến 4 lá liên tiếp.

  1. Tiêu chuẩn phân loại

Tùy theo nhu cầu của thị trường tiêu chuẩn phân loại khác nhau. Thông thường tiêu chuẩn phân loại 5cành/bó hoặc 10 cành /bó.

- Cúc 10 cành xuất khẩu: Dài 70cm, tuốt sạch lá 25cm tính từ gốc: Loại A  trọng lượng tối thiểu 500gr; Loại B từ  400 đến 499 gr

- Cúc 5 cành bán nội địa: Dài 70 tuốt sạch lá 15cm tính từ gốc, cột giây thun theo hình xoắn. Loại A  trọng lượng tối thiểu 250gr; loại B  từ 200 - 249 gr.

- Hiện nay nông dân chưa có thói quen phân loại theo chất lượng, do giá cả thị trường biến đông nhiều, trong quá trình phân loại, nông dân ghép cây đạt chất lượng và không đạt chất lượng với nhau dẫn đến giá trị thương phẩm của cây hoa cúc bị giảm rất nhiều.

- Thị trường nội địa không chấp nhận tuốt lá chân  vì tâm lý khách hàng sợ hàng trữ lạnh lâu ngày, điều này dẫn đến chất lượng hoa cũng giảm sút.

- Hiện tại, sau khi thu hoạch, người nông dân  đóng gói trên đồng ruộng sau đó gởi trực tiếp đến các đại lý tiêu thụ trong nước mà không qua qui trình xử lý sau thu hoạch dẫn đến tuổi thọ của hoa cúc rất thấp, chỉ 4-5 ngày. Nếu xử lý tốt tuổi thọ của hoa đạt 10-15 ngày .

  1. Tiêu chuẩn đóng gói  xuất khẩu:

- Buộc dây thun 8 cm tính từ gốc theo hình tròn, hoa sau khi thu hoạch được cắm trong nước sạch, dùng bao đóng gói đúng quy định cho mỗi chủng loại, hoa có thể trữ lạnh 5-7 ngày trong kho lạnh, thời gian trữ lạnh càng lâu chất lượng hoa, tuổi thọ hoa sẽ giảm. Nhiệt độ trữ kho: 2-30C.

  1. Tiêu chuẩn đóng gói nội địa:

Buộc dây thun cách gốc 3-5cm, sau khi thu hoạch, bỏ hoa vào xô cho hút nướcbỏ bịch nylon, mỗi bó từ 5-10 cành tùy theo yêu cầu của khách hàng; hoa không trữ lạnh, đóng hàng trong ngày, hầu hết nông dân không có kho trữ lạnh nên hoa bị mất nước, hấp hơi, chất lượng hoa đến tay khách hàng giảm rất lớn hoa bị ho, khi hút nước phục hồi lại thì tuổi thọ hoa chỉ 4-5 ngày, nếu bảo quản đúng qui trình thì tuổi thọ của hoa gia tăng đến 15 ngày.

  1. Phương pháp xử lý sau thu hoạch

-Thu  hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh cây bị mất nước.

- Giữ hoa ở nơi râm mát trong lúc thu hoạch

- Ngâm hoa trong xô nước sạch, độ cao nước 10cm tính từ đáy xô.

- Dùng thuốc bảo quản sau thu hoạch như Chrysal AVB, Floralife pha vào trong nước theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất sẽ tăng tuổi thọ của hoa, làm cho hoa nở tươi lâu hơn

- Thu xong trong vòng một giờ phải đưa về phòng đóng gói để xử lý sau thu hoạch.

- Hoa cúc được trữ lạnh trong khoảng 2-5 ngày là tối đa, càng để lâu trong lạnh hoa sẽ giảm chất lượng.

- Phân loại hoa theo tiêu chuẩn phân loại đã nêu trên, sau khi phân loại xong phải bỏ vào kho lạnh để tránh mất nước.

- Tùy theo nhu cầu của khách hàng số lượng hoa trên thùng/ bó khách nhau.

- Vận chuyển hoa ở nhiệt độ lạnh là 3-5 độ C

Xem thêm: Lưới xanh trồng hoa

Mọi thông tin liên hệ: 0932.344.899 / 0986.102.966

————————————————————————————————————

Địa chỉ: Đích Động, Yên Ninh, Yên Định, Thanh Hóa

Website: https://greenhousevn.net/


 

 

In bài viết
LIÊN HỆ

CÔNG TY TNHH XD và DV Nông Nghiệp CNC Hoa Việt

Đ/C: Yên Ninh, Yên Định, Thanh Hóa

Hotline: 0932 344 899 * 0326 559 638

Email liên hệ: toan.rsv@gmail.com
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 3
Trong tuần: 383
Lượt truy cập: 334841